Như các bạn đã biết, hạt dổi có công dụng chủ yếu làm gia vị cho món ăn, giúp nó có mùi vị thơm ngon và hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, liệu các bạn đã biết cách sử dụng hạt dổi đúng cách chưa? Hãy cùng Cây Thuốc Dân Gian trả lời câu hỏi đó, qua hướng dẫn sau đây nhé.
Mỗi lần sử dụng chỉ nên dùng 2-3 hạt dổi là đủ rồi, nếu dùng quá nhiều sẽ làm món ăn trở nên đắng hay bị khét.
Hướng dẫn cách làm thịt trâu (bò, lợn) gác bếp thơm ngon nức tiếng từ Tây Bắc
Nguyên liệu: Để tạo ra thành phẩm ngon nhất nên chọn phần bắp đùi của con trâu.
Gia vị đi kèm: Hạt dổi, mắc khén đã được nướng, giã nhỏ. Cùng với một lượng vừa đủ gừng, tỏi, sả, ớt được băm nhỏ.
Cách làm:
Thịt trâu mua về đem sơ chế sạch, lọc bỏ hết mỡ và gân đi. Sau đó thái thịt trâu thành các thớ dài khoảng 15cm, dày 2-3cm và rộng tầm 7-8cm. Cho tất cả gia vị đã chuẩn bị sẵn vào thịt trâu, trộn đều và ướp trong 2-3 tiếng để gia vị thấm đẫm vào thịt trâu.
Kiểm tra thấy thịt đã ngấm đều rồi thì dùng que xiên thịt và treo lên gác bếp. Với cách này thì thịt trâu sẽ được chín từ từ, chín đều bằng nhiệt của khói bốc lên chứ không phải bằng lửa.
Lưu ý là không được để thịt trâu tiếp xúc quá gần lửa vì như vậy dễ làm lớp ngoài của thịt bị cháy mà bên trong vẫn đang còn sống. Đồng thời, với cách này thì người Thái cũng cho vào đó một gia vị đặc biệt đó chính là mùi khói. Nên khi ăn thịt sẽ có mùi rất ngon, không tìm thấy ở cách nướng thông thường.
Khi thịt đã chín đều, lấy thịt đem cất đi dùng dần. Khi ăn chấm cùng tương ớt hay chẳm chéo đều rất cuốn hút, ăn hoài không chán.
Dùng hạt dổi để ướp thịt nướng
Thịt lợn sau khi sơ chế đem thái miếng vuông vừa ăn. Sau đó ướp cùng hành, bột canh, hạt dổi, mắc khén trong 30 phút rồi nướng trên than hoa. Khi nướng cần chú ý đảo thịt cho đều và không nên để lửa quá to làm thịt dễ bị cháy. Thịt nướng có thể chấm cùng tương ớt hay chẳm chéo đều rất ngon.
Công thức pha muối chấm
Công thức này có thể áp dụng để chấm các món thịt luộc rất hợp.
Công thức 1: Có sự kết hợp của hạt dổi + muối trắng
Nướng hạt dổi và rang muối trắng lên cho khô vàng. Đem hạt dổi giã nhỏ cùng muối trắng cho thật đều là chúng ta có muối để chấm rồi. Thật đơn giản phải không nào.
Công thức 2: Có sự kết hợp của hạt dổi, bột canh, ớt tươi bỏ hạt và mắc khén
Nướng hạt dổi cho chín thơm và rang mắc khén lên. Sau đó đem tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị cho vào một bát nhỏ giã lên cho đều là chúng ta đã thu được một bát muối chấm đúng vị Tây Bắc rồi. Thức chấm này có mùi thơm của hạt dổi cùng mắc khén kết hợp với vị cay cay của ớt, mắc khén hấp dẫn vô cùng.
Cách làm chẳm chéo của dân tộc Thái vùng Tây Bắc
Chẳm chéo là món chấm đặc trưng của đồng bào vùng Tây Bắc mà bất cứ ai thưởng thức cũng đều thích, thậm chí là nghiệm thức chấm này.
Nguyên liệu cần có: Hạt dổi, mắc khén, muối hạt, ớt tươi bỏ hạt, tỏi bóc vỏ cùng mùi tàu thái nhỏ
Cách thực hiện: Đem hỗn hợp muối, hạt dổi, mắc khén, ớt, tỏi đi nướng. Sau đó giã thành hỗn hợp nhỏ, đều, mịn rồi cho thêm mùi tàu thái nhỏ vào trộn đều là thành món chẳm chéo thần thánh rồi. Cho hỗn hợp kia ra bát là chấm bất kì thứ gì cũng đều ngon cả.
Khi chấm chúng ta sẽ cảm nhận được mùi thơm dịu mà đặc trưng của hạt dổi, mắc khén nướng. Về vị thì dịu như ô mai, có chút cay cay, tê tê nơi đầu lưỡi và phảng phất đâu đây hương quê và hương hồi đượm chất núi rừng Tây Bắc.
Những ai thích hợp sử dụng hạt dổi?
Hạt dổi là một loại gia vị nấu nướng để gia tăng thêm độ thơm ngon của món ăn và át đi mùi tanh không mong muốn trong thực phẩm nên hầu hết mọi người đều có thể dùng được nó nhưng cần phải lưu ý liều lượng.
Dù có tác dụng làm cho món ăn thêm hấp dẫn hơn nhưng tuy nhiên hạt dổi có vị cay, tính ấm nên những người hay nổi mụn, nhọt, nóng trong hay táo bón đều không nên dùng hạt dổi để hạn chế tình trạng nặng hơn của bệnh.